Chụp ảnh hội thảo có nhàn không?

Chụp ảnh hội thảo có thể là một công việc nhàn và chán, nhưng nếu người chụp không lười suy nghĩ và chịu khó di chuyển thì sẽ có rất nhiều ảnh để kể chuyện.

Chụp ảnh hội thảo có nhàn không?

Chụp ảnh hội thảo là công việc không phải đối mặt nhiều sức ép hoặc đòi hỏi sự tập trung và chính xác cao độ như khi chụp nhiều sự kiện khác. Mọi việc thường diễn ra theo kịch bản, các hành động thường diễn ra chậm rãi. Ánh sáng trong phòng có thể kém nhưng khá ổn định, nếu chụp hỏng thì vẫn có thể chụp lại.

Một cảnh tượng quen thuộc là mỗi khi có diễn giả mới lên phát biểu thì thợ ảnh hoặc phóng viên sẽ tiến ra đứng trước bục chụp vài cái ảnh rồi lui vào một góc nào đó lướt Facebook trong khi đợi diễn giả tiếp theo. Hoặc là tiện hơn, người chụp ảnh có thể ngồi ngay cùng các đại biểu, chỉ cần nhổm người lên là chụp được. Không ít trường hợp vì bài phát biểu dài quá mà anh chụp ảnh phải đứng dậy đi lại cho đỡ buồn ngủ.

Cứ như vậy, nếu có 10 người lên phát biểu thì sẽ có 10 kiểu ảnh na ná nhau. Diễn giả nào cũng có cái ảnh với đầy đủ mặt mũi sáng sủa, sau lưng là tên hội thảo, trước mặt là cái micro và tên của khách sạn gắn ở trên bục phát biểu.

Đó thực sự là một cách làm việc nhàn hạ. Với cách đó, khách hàng sẽ không có nhiều lựa chọn khi dùng ảnh. Bản thân diễn giả cũng sẽ cảm thấy không hài lòng nếu biết rằng thực tế là có thể có nhiều ảnh hơn như ở ví dụ dưới đây.

Tình huống chụp ảnh diễn giả

Ở hội thảo có rất nhiều nội dung để chụp. Ngay cả khi mọi người nghỉ giải lao thì người chụp ảnh vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng ở trong ví dụ này, tôi sẽ chỉ nói về việc chụp diễn giả.

Trong thời gian trình bày báo cáo của mỗi diễn giả tại hội thảo này (khoảng 15 phút/người), tôi liên tục thay đổi vị trí và góc chụp với mục tiêu có đủ ảnh để kể một câu chuyện mà diễn giả là nhân vật chính.

Thông thường, tiêu đề các bài phát biểu trên màn chiếu sẽ xuất hiện khoảng nửa phút hoặc có khi chỉ vài giây trước khi người trình bày đi vào các nội dung cụ thể. Vì thế, sẽ khó có thể chụp được nếu không đứng “canh” từ trước. Ở góc này, với tiêu cự lớn, tôi cũng không vướng phải những người khác đang chụp ở phía bên kia hội trường.

Tiếp theo tôi đi vòng xuống dưới để sang phía bên kia hội trường. Trên đường đi, tôi chụp một kiểu “truyền thống” với tiền cảnh là đầu và lưng của cử toạ.

Khi đi đến gần bục phát biểu thì không còn ai đúng chụp ở gần đấy nữa nên tôi có thể thoải mái lựa chọn góc chụp. Nhờ đó, bức ảnh trông sẽ chỉn chu, gọn ghẽ hơn; hạn chế được việc thiếu chữ trên phông nền có thể gây ra những hiểu nhầm tệ hại.

Ở cùng một vị trí đứng, tôi cố gắng thay đổi tiêu cự và bố cục để có nhiều ảnh khác nhau trong thời gian nhanh nhất. Nếu là người mới vào nghề, việc đứng chụp ở trước hàng trăm người có thể khiến người chụp ảnh cảm thấy mất tự tin, sợ ảnh hưởng tới người khác. Vì thế họ thường chụp một cách vội vã.

Tuy nhiên, đứng chụp trước cử toạ quá lâu có thể gây khó chịu cho mọi người, nhất là khi dùng đến đèn flash. Vì thế, tôi lui ra phía rìa hội trường, chụp bằng ống tele và không dùng đèn để tìm kiếm một vài khoảnh khắc tự nhiên của diễn giả.

Sau khi đã có các kiểu ảnh “an toàn”, tôi tiếp tục thay đổi vị trí và góc chụp.

Dù hội trường khá rộng nhưng nếu chịu khó di chuyển thì người chụp sẽ có được nhiều góc nhìn khác nhau.

Tôi quay trở lại vị trí ban đầu, nhưng lần này là với góc chụp thấp hơn để có cả tiền cảnh.

Không ít hội thảo mà slide trình chiếu là sản phẩm copy&paste từ báo cáo ra, toàn chữ là chữ, chụp lên trông rất xấu. Nhưng rất may là ở hội thảo này thì phần trình chiếu của các báo cáo đều được thiết kế cẩn thận với nhiều biểu đồ, hình ảnh. Vì thế không khó để có những bức ảnh với hậu cảnh sinh động như thế này. Một kinh nghiệm là nếu có thể thì bạn nên hỏi xin bản in các slide để chủ động chọn trước góc chụp.

Nếu còn thời gian và biết rằng đây là một diễn giả quan trọng thì tôi lại tiếp tục di chuyển để tìm thêm hình ảnh. Trung bình, với mỗi diễn giả trong hội thảo này, tôi chụp được khoảng 8 đến 10 kiểu ảnh khác nhau.

Chụp ảnh hội thảo đôi khi mệt như chạy đường trường

Chụp ảnh hội thảo là một trong những công việc quen thuộc của tôi khi còn là chuyên viên truyền thông của một trường đại học ở Hà Nội. Nếu hội thảo lớn được chia thành nhiều tiểu ban ở nhiều phòng khác nhau, thậm chí ở các toà nhà khác nhau, mà chỉ có một người chụp thì phải khẳng định ngay đó là một công việc cực kì vất vả. Bản thân tôi cũng đã có vài lần “được” trải qua những ngày chụp như vậy. Chỉ riêng việc đi lại hàng chục nghìn bước chân, leo mấy chục lượt tầng cầu thang thôi đã đủ mệt rồi. Nhưng những trường hợp như vậy không nhiều, thông thường thì các hội thảo diễn ra trong một hội trường hoặc vài phòng họp cạnh nhau.

Tuy ít khi phải chạy toát mồ hôi nhưng chụp ảnh hội thảo hoàn toàn không phải là một công việc nhàn hạ, trừ khi người chụp không nắm được công việc của mình. Hơn thế nữa, ngoài những kĩ năng chụp ảnh sự kiện, nó còn đòi hỏi người chụp sự kiên nhẫn, tinh thần sáng tạo và kĩ năng tác nghiệp “vô hình” để vừa có nhiều ảnh đẹp mà lại không ảnh hưởng tới người khác.

Chuyên mục: Dành cho Người chụp
Từ khoá: chụp ảnh sự kiện, event photography, kinh nghiệm
Bài trước
Chân dung nghề nghiệp: Vài gợi ý trước buổi chụp
Bài sau
Bị trùng lịch chụp? Giới thiệu và đề cử ngay!