Chụp ảnh để tăng giá trị website của bạn

Làm sao để có ảnh đẹp cho website? Bài viết này giới thiệu cho bạn hai cách: tự chụp hoặc thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Group Discussion

Chụp ảnh để tăng giá trị website của bạn

Bản xem thử (demo) cho website mới của bạn trông rất đẹp. Nhưng khi làm thật thì lại “thấy sai sai”. Rất có thể là vì website bạn đang thiếu ảnh.

Làm website cũng giống như làm nhà. Dẫu cùng là căn hộ chung cư có cấu trúc giống nhau, nhưng không nhà nào giống nhà nào. Sự khác biệt đó là do cách sắp xếp đồ đạc và trang trí của chủ nhà. Website của bạn có khác biệt và hấp dẫn hay không là nhờ vào những nội dung mà bạn đăng lên.

Nội dung của website không chỉ có phần chữ mà còn là màu sắc, hoạ tiết, ảnh, video và âm thanh. Trong đó ảnh là phương tiện chứa nhiều thông tin và không tốn nhiều thời gian để tiếp nhận.

Không cần đến một giây thì người xem đã có cảm nhận về bức ảnh. Vì thế đó phải là những bức ảnh đủ sức gây chú ý và níu giữ người xem, giúp họ hiểu hơn về bạn và những gì bạn làm. Hình ảnh càng chuyên nghiệp thì bạn càng có nhiều cơ hội tạo ấn tượng và giữ chân khách hàng trên website lâu hơn.

Nhưng làm sao để có những hình ảnh như thế? Điều đó tuỳ thuộc vào lựa chọn của bạn. Nhưng tôi phải nói ngay rằng sử dụng hình ảnh có sẵn (stock) không phải là một ý tưởng hay. Bài viết khá dài này sẽ nói về việc bạn tự chụp hoặc thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

1. Tìm hiểu và chọn ý tưởng

Xác định được cảm quan và phong cách của các bức ảnh cần dùng sẽ giúp bạn (hoặc nhiếp ảnh gia) định hình được các kiểu ảnh cần chụp. Để định hình ý tưởng, hãy tự hỏi:

– Người xem là ai? Họ truy cập website để tìm kiếm thông tin gì?

– Bạn muốn họ nghĩ và cảm nhận như nào khi truy cập website?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ định hướng tính thẩm mĩ cơ bản cho các bức ảnh. Có phải bạn là một văn phòng luật nên cần những bức chân dung thể hiện sự chuyên nghiệp và tin cậy? Bạn là một công ty công nghệ cần thể hiện sự mới mẻ và sáng tạo? Màu xanh dương là màu chủ đạo của website nên bạn cần những bức ảnh có thể phối màu phù hợp?

Dưới đây là một số cách để bạn tìm cảm hứng thẩm mĩ.

1.1. Internet

Hãy bắt đầu bằng những trang web yêu thích của bạn. Sau đó, bạn có thể tham khảo thêm ở Flickr, Instagram, Pinterest và các mạng xã hội khác.

Lưu ý là bạn nên chụp ảnh màn hình để tiện ghi nhớ. Hãy tìm cảm hứng từ nhiều nguồn, chắt lọc và định ra một hướng riêng cho mình.

1.2. Xung quanh bạn

Từ những cửa hiệu bắt mắt, quảng cáo ngoài trời, xu hướng thời trang tới các triển lãm nghệ thuật v.v tất cả đều có thể đem lại gợi ý cho bạn.

1.3. Đối thủ

Xem website của các công ty đối thủ vừa là cách để học hỏi vừa có thể giúp bạn tránh được những sai lầm mà họ đang mắc phải.

Sau khi đã dành thời gian nghiên cứu, bạn hãy định hướng cho ý tưởng: Những màu sắc chủ đạo là gì? Có sử dụng người mẫu không? Chụp tại văn phòng hay tại studio? Có cần đạo cụ gì không?

Nói chung, bước này cũng giống như khi bạn tạo chủ đề cho một sự kiện mà mình tổ chức.

2. Lên danh sách các hình ảnh cần có

Nhìn vào danh sách này, bạn sẽ mường tượng được cảm quan tổng thể của website. Hãy nghĩ về hình ảnh cho trang đầu, các phần trình chiếu sản phẩm v.v. Thử tham khảo vài ý tưởng sau:

Ảnh chủ đạo: Đây là bức ảnh đầu tiên mà khách truy cập nhìn thấy. Nó cần cho thấy doanh nghiệp của bạn thuộc lĩnh vực gì. Hoặc cũng có thể là một bức ảnh thể hiện phong cách của công ty bạn. Nếu bạn là một trung tâm ngoại ngữ, có thể sử dụng hình ảnh giáo viên nước ngoài đang nói chuyện với học sinh. Nếu bạn rang xay cà phê, hãy trưng ra mẻ rang đẹp nhất.

Đội ngũ: Khán giả luôn muốn biết mặt những người đứng đằng sau sân khấu. Tuỳ vào quy mô nhân sự của doanh nghiệp, bạn có thể lựa chọn những gương mặt cần giới thiệu. Ảnh chụp riêng hay chụp chung đều có thể giúp tạo dựng niềm tin cho đối tác.

Không gian: Văn phòng, nhà xưởng hay ruộng đồng v.v. thì đều có thể trở thành hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp của bạn.

Hình ảnh hoạt động: Bạn đã dành rất nhiều thời gian để gây dựng doanh nghiệp của mình, có lí do gì mà không cho thế giới thấy một vài hoạt động? Dù là một hợp tác xã nhỏ hay là một nghệ nhân tò he thì hình ảnh hoạt động đẹp sẽ giúp gia tăng ấn tượng hơn nhiều.

Sản phẩm và dịch vụ: Đây là những hình ảnh cốt yếu cho website của bạn. Hãy nghĩ làm sao để có được những hình ảnh thực sự bắt mắt để quảng bá sản phẩm của mình.

Moodboard
Ảnh: Paratime Studio

3. Xác định phương thức chụp ảnh

Sau khi đã nghiên cứu, lên ý tưởng và lập danh sách ảnh cần chụp, bạn sẽ phải ra quyết định quan trọng: tự chụp hay thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

3.1. Tự chụp

Nếu kinh phí của bạn quá hạn hẹp hoặc tự tin vào tay máy của mình, bạn hoàn toàn có thể theo phương án tự chụp. Dưới đây là một số thông tin cốt yếu mà bạn cần làm theo.

3.1.1. Thiết bị

Dù không cần phải dùng đến cả tấn thiết bị đắt tiền để chụp ảnh đẹp cho website, nhưng bạn phải biết những điều cơ bản nhất:

  • Máy ảnh: Máy nào cũng được, thậm chí là điện thoại. Tất nhiên là nếu có máy ảnh ống kính rời thì sẽ tốt hơn nhiều.
  • Chân máy: Nó sẽ giúp tránh hiện tượng rung mờ và bố cục cũng đồng nhất hơn.
  • Phông nền một màu: Nếu sản phẩm không to quá thì bạn có thể sử dụng giấy vẽ kĩ thuật hoặc tự làm hộp chụp sản phẩm.
  • Hắt sáng bằng tấm xốp hoặc bìa màu trắng.
  • Nếu chụp sản phẩm nhỏ thì bạn nên để trên bàn cho tiện, còn to quá thì đương nhiên là sàn nhà.

3.1.2. Khảo sát địa điểm

Dù là chụp tại văn phòng hay studio chuyên nghiệp thì việc khảo sát địa điểm luôn không thừa. Nó sẽ giúp bạn xác định được không gian để lắp đặt thiết bị phù hợp.

3.1.3. Sử dụng đúng áng sáng

Ánh sáng quyết định rất nhiều tới chất lượng bức ảnh. Nếu ánh sáng phù hợp thì dù chụp bằng điện thoại hay máy ảnh xịn thì ảnh cũng vẫn đẹp. Đương nhiên là đừng chụp thừa sáng hay thiếu sáng quá.

Chụp trong nhà: Ánh sáng tự nhiên cơ bản là ổn. Nếu chụp trong nhà thì bạn nên đặt sản phẩm gần cửa sổ. Lưu ý là đèn điện trong phòng có thể gây ám màu.

Chụp ngoài trời: Nếu chụp ngoài trời thì nên tranh thủ lúc ánh sáng dịu. Ánh nắng mạnh sẽ làm đổ bóng quá gắt.

3.1.4. Bố cục

Bố cục là việc lựa chọn góc nhìn, sắp đặt vị trí của các đối tượng trong khung hình để thể hiện nội dung bạn cần truyền đạt. Cũng giống như trong ngôn ngữ, bố cục là ngữ pháp của hình ảnh.

3.1.5. Chụp ở định dạng RAW

So với định dạng JPEG thì RAW giúp bạn xử lí hậu kì linh hoạt hơn, có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, hạn chế của nó là dung lượng lớn và đôi khi phải có phần mềm phù hợp.

3.1.6. Xem và quản lí hình ảnh

– Xem ảnh trên máy tính: Đừng xoá ngay trên máy ảnh. Dù đẹp hay xấu thì cứ tải về máy tính đã. Vì rất có thể bạn sẽ xoá nhầm ảnh đẹp. Màn hình của máy ảnh hay điện thoại cũng không đủ to để xác định là ảnh có rung nhoè hay sai nét hay không.

– Quản lí hình ảnh: Lưu giữ ảnh một cách có tổ chức sẽ giúp bạn xử lí và khai thác dễ dàng hơn.

– Luôn sao lưu dự phòng: Để tránh cho bỏ phí bao nhiêu công sức của mình và mọi người, luôn có ít nhất một bản sao ở ổ cứng ngoài hoặc máy tính khác. Bạn sẽ không bao giờ biết khi nào thì ổ cứng bị hỏng đâu.

– Giảm dung lượng ảnh: Ảnh có dung lượng lớn sẽ tăng đáng kể thời gian chờ tải trang web. Vì thế bạn phải giảm kích thước và dung lượng ảnh trước khi đăng lên website. 

3.1.7. Phần mềm xử lí ảnh

Có rất nhiều phần mềm xử lí ảnh trên điện thoại hoặc trên máy tính, có cả loại miễn phí và trả phí với nhiều mức giá khác nhau. Hầu hết các phần mềm đều cho phép dùng thử trong một thời gian nhất định.

3.2. Thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp

Nếu bạn quyết định đã đến lúc cần thuê nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hãy dành thời gian tìm hiểu và chọn người chụp tốt nhất cho dự án. Hãy cân nhắc:

Tìm kiếm: Kiểm tra hồ sơ năng lực (portfolio) của một số nhiếp ảnh gia và xem xem mình có thích sản phẩm của họ không. Tốt nhất là hãy nhặt ra vài người trước khi quyết định sẽ chọn ai.

Gặp gỡ: Bạn có thể gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với nhiếp ảnh gia. Cho họ biết bạn đang cần gì, cho họ xem bảng ý tưởng (mood board) và thảo luận về danh sách ảnh cần chụp. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có thể sẽ giúp bạn phát triển ý tưởng và cả hiện thực hoá nó.

Tham khảo ý kiến: Đừng ngại đề nghị được liên hệ với một số khách hàng trước của người chụp. Nếu người chụp tự tin về khách hàng cũ của mình thì họ cũng chẳng ngần ngại gì.

Đừng “đánh bạc”: Mỗi nhiếp ảnh gia có kĩ năng, sở trường, kinh nghiệm và mức giá khác nhau. Nếu kinh phí của bạn chỉ ở mức khiêm tốn thì cũng vẫn còn cơ hội. Một số nhiếp ảnh gia đang cần cập nhật hồ sơ năng lực có thể sẽ lấy giá thấp nhất có thể. Còn nếu bạn định thuê người mới vào nghề để tiết kiệm chi phí thì hãy xác định rằng mình đang chơi một ván bài năm ăn năm thua.

3.2.1. Câu hỏi cho nhiếp ảnh gia

Anh chị có đầy đủ thiết bị không? Ngoài máy ảnh, ống kính thì nhiếp ảnh gia còn cần đèn, thiết bị tản sáng, thậm chí là máy tính với phần mềm có thể xem ảnh ngay khi chụp.

Xử lí hậu kì thì thế nào? Đừng bao giờ kì vọng là ảnh chụp ra là có thể dùng được luôn. Ít ra thì cũng cần phải có xử lí hậu kì cơ bản (độ sáng, màu sắc, tương phản). Bạn sẽ phải thoả thuận rõ ràng là chi phí hợp đồng có bao gồm việc chỉnh sửa hay không.

Bản quyền và quyền sử dụng? Dù bạn trả tiền nhưng không có nghĩa là bạn là người có quyền sở hữu trí tuệ. Trong hợp đồng cần làm rõ vấn đề bản quyền và quyền sử dụng hình ảnh để tránh những hiểu lầm hay tranh chấp sau này.

3.2.2. Vài điểm nữa cần chú ý

Lập lộ trình làm việc rõ ràng: Bạn cần phải xác định rõ thời hạn phải có sản phẩm cuối. Nếu phải chờ đợi quá lâu, người thiệt hại sẽ là bạn.

Linh hoạt và cởi mở: Có thể mục đích ban đầu của bạn chỉ là có ảnh sản phẩm trên phông nền trắng, nhưng trong quá trình chụp thì nhiếp ảnh gia có thể có những ý tưởng khác mà bạn chưa nghĩ tới.

Nếu bạn cần chụp ảnh cho website, các trang mạng xã hội hoặc xây dựng một thư viện hình ảnh cho doanh nghiệp của mình, đừng ngại liên hệ với Paratime Studio.

Chuyên mục: Dành cho Khách hàng
Từ khoá: chụp ảnh doanh nghiệp, thư viện hình ảnh
Bài trước
Ăn thử được thì liệu có chuyện chụp thử không?
Bài sau
Lên kế hoạch chụp ảnh chân dung cho doanh nghiệp