Những phần mềm cần thiết nhất cho Paratime

Ba phần mềm quan trọng nhất của Paratime Studio với những ưu/khuyết điểm và chi phí để thuê/mua những phần mềm này.

Các phần mềm được dùng tại Paratime

Những phần mềm cần thiết nhất cho Paratime

Nhắc đến phầm mềm cho nhiếp ảnh, người ta thường nghĩ ngay đến Photoshop. Nhưng công việc của một studio không chỉ có mỗi chụp ảnh và sửa ảnh. Vì thế danh sách phần mềm mà nhiếp ảnh gia của Paratime đang dùng cho công việc có thể sẽ khiến bạn thấy bất ngờ.

Trong phần 1 của chuỗi bài viết này, tôi sẽ giới thiệu 3 phần mềm cần thiết nhất. Các phần mềm này đều được chạy trên hệ điều hành macOS.

Lightroom Classic

Lightroom hiện có hai phiên bản là Lightroom Classic và Lightroom (công nghệ đám mây). Đây là phần mềm quản lí và xử lí hậu kì mà tôi đã dùng hơn một thập kỉ. Thế mạnh lớn nhất của Lightroom là khả năng quản lí ảnh. Ngoài ra các tác vụ hậu kì cơ bản như độ sáng, màu sắc, sắc độ, tương phản, khử nhiễu, cắt cúp,… cũng rất dễ sử dụng và hiệu quả.

Giao diện Lightroom Classic

Phần mềm này cũng có các tính năng liên quan đến xuất bản như hỗ trợ in ấn, dàn trang, tạo trình chiếu.

Rất tiếc là tính năng bản đồ không được kích hoạt tại thị trường Việt Nam. Điều này làm giảm đáng kể khả năng quản lí và tìm kiếm ảnh.

Hiện nay tôi dùng Lightroom để xử lí ảnh chụp sự kiện và tạo các bộ sưu tập ảnh tư liệu.

Capture One

Lí do đầu tiên tôi dùng Capture One là khả năng chụp ảnh kết nối máy tính (tether shooting) rất ổn định. Mặc dù Lightroom cũng có tính năng này, nhưng mấy năm trước thì nó khá phập phù. Thứ hai là Capture One xử lí ảnh raw nhanh và chuẩn màu hơn so với Lightroom.

Chỉnh màu da bằng Capture One

Hiện nay tôi dùng Capture One để chụp ảnh có kết nối máy tính, chọn ảnh và xử lí hậu kì cơ bản trước khi chỉnh sửa bằng Photoshop. Sau khi sửa bằng Photoshop, tôi lại dùng Capture One để xử lí thêm (chủ yếu là cắt cúp và/hoặc tạo thêm bản đen trắng) trước khi xuất ra JPEG.

Có một số tính năng mà Lightroom không làm được nhưng Capture One làm rất tốt.

Thứ nhất là tạo watermark với nội dung là tên tập tin. Chức năng này rất tiện lợi khi gửi ảnh cho khách hàng chọn.

Thứ hai là chọn ảnh theo danh sách tập tin. Sau khi khách hàng gửi danh sách ảnh cần sửa, thay vì phải đối chiếu thủ công thì tôi chỉ cần chép-dán danh sách này vào là Capture One sẽ tự động chọn ra các ảnh tương ứng.

Thứ ba là xem ảnh trực tiếp từ xa. Điều này cực kì tiện lợi khi buổi chụp diễn ra mà khách hàng lại cần tham khảo ý kiến của người khác không có mặt ở. Tuy nhiên, đây là tính năng phải trả tiền thuê bao theo tháng, với chi phí tương đương 10 lít xăng A95.

Nói cách khác, Capture One thích hợp hơn cho các công việc đòi hỏi sự trao đổi qua lại với khách hàng.

Mặc dù Capture One cho người dùng quản lí tất cả các ảnh trong một cơ sở dữ liệu (catalog) duy nhất, nhưng tôi hầu như chỉ tạo các phiên làm việc (session) đơn lẻ cho từng buổi chụp. Do đó, tôi vẫn phải dùng Lightroom để quản lí tất cả các ảnh. Ngoài ra, so với Lightroom thì tốc độ xử lí cơ bản nhiều ảnh một lúc của Capture One vẫn không nhanh bằng. Vì thế, đối với ảnh chụp sự kiện và các dự án ảnh tư liệu, tôi vẫn dùng Lightroom.

Photoshop

Ảnh sau khi được xử lí hậu kì cơ bản sẽ được chỉnh sửa bằng Photoshop (nếu cần).

Tôi tạo sẵn một số action cho việc chỉnh sửa da

Vì Photoshop là một phần mềm quá phổ biến nên tôi cũng không cần phải giới thiệu gì thêm.

Tôi chủ yếu dùng Photoshop để sửa ảnh chân dung. Để đảm bảo hình ảnh vừa đẹp vừa chân thực, tôi hạn chế việc can thiệp quá thô bạo vào nội dung bức ảnh.

Lựa chọn thay thế và chi phí

Về lí thuyết thì Capture One hoàn toàn có thể thay thế Lightroom. Nhưng thực tế là với khối lượng hơn nửa triệu bức ảnh, việc chuyển đổi là không hề khả quan. Vì thế tôi vẫn phải sử dụng cả hai và tận dụng thế mạnh của từng phần mềm.

Còn Photoshop không phải là phần mềm không thể thay thế, nhưng so với các phần mềm khác thì nó vượt trội hơn (kể cả so với nhân vật khá nổi là Affinity Photo). Vả lại, nó đi kèm với Lightroom trong gói thuê bao Photography của Adobe nên tôi cũng không có lí do gì để mà không dùng.

Nhân tiện nhắc đến thuê bao thì nói luôn đến chi phí thuê và mua phần mềm. Chi phí hàng tháng cho gói Photography của Adobe (gồm Lightroom và Photoshop) là 10USD. Còn Capture One thì có giá thuê hàng tháng là 24USD (hoặc 179USD/năm), nhưng tôi chọn mua một lần với giá 299USD. Tuy nhiên, cứ sau khoảng hơn 2 năm thì Capture One sẽ có phiên bản mới, mặc dù không bắt buộc, nhưng tôi cũng sẽ trả thêm khoảng 160USD để có phiên bản mới nhất. Tính ra, trung bình mỗi tháng tôi tốn khoảng 25USD cho 3 phần mềm này.

Trong bài tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu về các phần mềm khác liên quan đến thiết kế đồ hoạ và dựng video.

Chuyên mục: Dành cho Khách hàng, Dành cho Người chụp
Từ khoá: phần mềm, thiết bị
Bài trước
Lí do chọn Paratime: Chỉ trả tiền cho bức ảnh bạn cần
Bài sau
Phần mềm vẽ minh hoạ, dàn trang và dựng phim